Menu

Sắp không còn chuối để mà ăn!

Các trang trại chuối trên khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi bệnh dịch Panama, gây nên tình trạng héo rũ và khiến các cây chuối chết vì mất nước. Trong quá khứ, chuối Gros Michel suýt bị tuyệt chủng vì bệnh dịch này.

Nghe thì có vẻ như chuyện đùa, nhưng sự thật là loài chuối đang phải đương đầu với mối đe dọa đến từ dịch bệnh Panama - gây ra bởi một loại nấm mang tên Fusarium oxysporumf sp.cubense. Dịch bệnh này đã từng lây lan khắp khu vực Nam Á, châu Phi, Trung Đông, cũng như tại Úc. Và bất chấp những nỗ lực phòng chống của con người, dịch Panama đang có nguy cơ tiếp tục băng qua đại dương để tiến tới Nam Mỹ.

Theo như một nghiên cứu mới được thực hiện tại Hà Lan, việc dịch Panama lan tới khu vực Nam Mỹ là điều bất khả kháng và vô cùng nghiêm trọng. Bởi lẽ, đây là nơi trồng tới 82% lượng chuối Cavandish (chuối tiêu lùn) - loài chuối phổ biến nhất trên thế giới - với Ecuador xuất khẩu hơn 1/3 sản lượng cho thị trường tỉ đô này.


Chuối Cavandish - tức chuối tiêu lùn - hiện đang là loài chuối phổ biến nhất thế giới

Chuối Cavandish - tức chuối tiêu lùn - hiện đang là loài chuối phổ biến nhất thế giới

Dịch Panama - còn được biết đến dưới cái tên bệnh héo rũ ở chuối - từng suýt khiến loài chuối Gros Michel tuyệt chủng vào những năm 1960. Trên thực tế, bệnh dịch này được phát hiện từ năm 1876, khi các trang trại chuối tại Úc đột ngột rơi vào tình trạng héo rũ. Năm 1890, bệnh lây lan tới Costa Rica và Panama, nhưng vẫn không ai biết rõ nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do đâu. Phải tới tận 20 năm sau, loại nấm có tên Fusarium oxysporumf sp.cubense (Foc) mới được xác định là thủ phạm gây ra bệnh dịch này.

Nấm Foc có thể lây lan qua môi trường đất và nước, cũng như tồn tại dưới lòng đất trong khoảng 30 năm. Khi loài nấm này tìm được vật chủ để ký sinh, chúng sẽ theo rễ cây đi tới các mạch xylem - vốn được coi như các đường ống dẫn nước ở cây trồng. Cây bị nhiễm bệnh sẽ chết rất nhanh vì thiếu nước, lá héo khô và chuyển dần sang màu vàng nâu.

Trong quá khứ, dịch Panama đã tàn phá hầu khắp các vườn chuối Gros Michel trên toàn thế giới, khiến loài chuối này suýt chút nữa tuyệt chủng hoàn toàn. Chỉ có một số vườn chuối nhỏ tại Thái Lan may mắn không bị lây nhiễm dịch bệnh này.

"Vào thời điểm lúc bấy giờ, may mắn thay, loài chuối Cavendish - được trồng tại các vườn thực vật tại nước Anh - được nhận ra là có tiềm năng thay thế hoàn hảo cho chuối Gros Michel. Cùng với những tiến bộ của kỹ thuật nuôi cấy mô, các vườn chuối trên khắp toàn cầu đã xanh trở lại sau đại dịch" - một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Wageningen cho biết.


Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng héo rũ ở khắp các trang trại chuối trên thế giới

Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng héo rũ ở khắp các trang trại chuối trên thế giới

Nhưng nay dịch Panama đã quay trở lại, dưới dạng chủng mới mang tên VCG01213, hay còn được gọi là Tropical Race 4 (TR4). Các nhà thực vật học đã xác nhận TR4 là biến thể của dịch Panama ngày trước, và lại một lần nữa gây ra tình trạng héo rũ ở những vườn chuối Cavendish trên khắp thế giới.

"Chúng tôi biết được rằng nguồn gốc lây lan của TR4 đến từ Indonesia, sau đó lan qua Đài Loan, Trung Quốc và khắp Đông Nam Á" - Gert Kema, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết. Cũng theo lời ông, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy loại nấm gây bệnh ở Pakistan, Lebanon, Jordan, Oman, Mozambique, và ở cả Queensland, Úc.

Chuối Cavendish mặc dù có khả năng miễn nhiễm với dịch Panama trước đây, nhưng trước chủng bệnh mới TR4, chúng cũng hoàn toàn "bó tay". Đồng thời, do loài chuối Cavendish được nhân bản để phục vụ việc nhân giống trên toàn thế giới, mà ở loài chuối này không tồn tại khả năng tạo ra đột biến có khả năng miễn dịch trước chủng bệnh mới.

Theo như nhóm nghiên cứu, việc loài chuối tuyệt chủng sẽ không diễn ra chỉ trong một sớm một chiều, nhưng nếu chúng ta không sớm hành động thì kịch bản ở quá khứ sẽ lại một lần nữa diễn ra. "Cần nhiều thời gian để dịch TR4 lây lan. Nhưng một khi các vườn chuối đã nhiễm dịch, sẽ không có cách nào cứu chữa." - bà Guilford cho biết: "Đài Loan bây giờ chỉ còn xuất khẩu chuối bằng 2% so với thập niên 60 của thế kỷ trước".

Khắc phục điều này hoàn toàn không hề đơn giản. Nếu muốn loại bỏ nhanh các vườn chuối bị nhiễm dịch, các nhà khoa học cần phải tìm ra một phương pháp thử mới để có thể chẩn đoán dịch bệnh từ trong đất, cũng như trong các nguồn giống. Đồng thời, để đề phòng, chúng ta cũng nên phát triển một giống chuối mới, thay thế cho loài Cavendish.

"Tuy nhiên, muốn tạo ra và nhân giống một loài chuối mới, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu và phát triển từ cộng đồng khoa học, cũng bởi chuối là một cây hoa màu hỗ trợ kế sinh nhai của hàng triệu nông dân trên khắp thế giới" - các nhà nghiên cứu kết luận.

Cảm ơn Genk!